Khái niệm chung

Thuốc tránh thai có tác dụng kéo dài là dụng cụ tránh thai tồn tại trong cơ thể quý vị trong một thời gian dài (từ một tháng đến mười năm). Có ba loại thuốc tránh thai có tác dụng kéo dài:

  • Thuốc tiêm tránh thai - một mũi tiêm do Bác Sĩ Gia Đình của quý vị tiêm để bảo vệ tránh mang thai trong mười hai tuần
  • Que cấy tránh thai - một que nhỏ, linh hoạt được cấy dưới da cánh tay của quý vị. Que này có thể ở đó đến 3 năm. Và từ từ giải phóng nội tiết tố progestogen vào máu của quý vị.
  • Vòng Tránh Thai (Intra-Uterine Devices - IUD) - các dụng cụ nhỏ, linh hoạt được đặt vào tử cung (dạ con), và bao gồm:
    • Vòng tránh thai bằng đồng làm từ nhựa và đồng; vòng không có nội tiết tố và cần được thay thế sau mỗi 5-10 năm, tùy thuộc vào loại mà quý vị sử dụng
    • Vòng tránh thai nội tiết là dụng cụ nhỏ hình chữ T giải phóng từ từ một liều lượng rất thấp nội tiết tố progestogen vào tử cung; vòng này có thể duy trì đến 5 năm

 

Bác Sĩ Gia Đình của tôi sẽ làm gì vào lúc này?

Bác sĩ sẽ thảo luận về tiền sử bệnh và sở thích cá nhân của quý vị. Cùng quý vị tìm ra biện pháp tránh thai nào phù hợp nhất cho quý vị.

Trong các cuộc thảo luận này, bác sĩ sẽ:

  • Đề nghị thử thai để đảm bảo quý vị đang không mang thai
  • Thảo luận về các tác dụng phụ thường gặp khác
  • Cung cấp cho quý vị thông tin rõ ràng để quý vị lựa chọn biện pháp tránh thai
  • Thảo luận về thực hành tình dục an toàn để ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục (sexually transmitted infection - STIs)
  • Đảm bảo rằng quý vị đã cập nhật thông tin về việc khám sàng lọc cổ tử cung của mình

Nếu quý vị đang có kế hoạch đặt vòng tránh thai hoặc cấy ghép, bác sĩ sẽ:

  • Giải thích các hình thức chảy máu dự kiến sau khi đặt vòng tránh thai hoặc cấy ghép
  • Giải thích cách thức, thời gian và vị trí thiết bị hoặc bộ phận cấy ghép của quý vị sẽ được đặt
  • Đề nghị sử dụng một biện pháp tránh thai bổ sung trong thời gian ngắn sau khi đặt thuốc

Bác sĩ có thể chưa được đào tạo để đặt thiết bị hoặc dụng cụ cấy ghép. Trong trường hợp này, họ sẽ giới thiệu quý vị đến một phòng khám với các chuyên gia y tế được đào tạo về cách đặt và tháo các thiết bị hoặc dụng cụ. Quý vị sẽ cần phải hoàn thành một số thủ tục giấy tờ để đồng ý với thủ thuật đó.

 

Bác Sĩ Gia Đình của tôi sẽ làm gì sau đó?

Quý vị có thể không cần khám với Bác Sĩ Gia Đình của mình để được theo dõi thường xuyên. Tuy nhiên, nếu quý vị làm vậy, bác sĩ có thể:

  • Theo dõi thông qua khám sức khỏe để kiểm tra xem thiết bị của quý vị đã được đặt đúng cách chưa
  • Định kỳ kiểm tra cân nặng và huyết áp của quý vị
  • Đề nghị xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục
  • Muốn biết nếu quý vị có bất kỳ rắc rối nào với biện pháp tránh thai của mình, chẳng hạn như bất kỳ tác dụng phụ nào

Khi đến lúc tháo hoặc thay vòng tránh thai hoặc cấy ghép, bác sĩ có thể giới thiệu quý vị đến một phòng khám hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe thích hợp.

 

Tôi nên làm gì?

Thông báo cho bất kỳ chuyên gia y tế nào điều trị cho quý vị rằng quý vị có cấy ghép hoặc đặt vòng tránh thai. Ghi lại quá trình chảy máu của quý vị nếu quý vị lo lắng. Thông báo cho Bác Sĩ Gia Đình về bất kỳ sự tiết dịch, chảy máu hoặc đau bất thường nào.

Nếu quý vị đã đặt vòng tránh thai, hãy thường xuyên kiểm tra vị trí của thiết bị để đảm bảo vòng không bị bung ra. Bác Sĩ Gia Đình có thể giải thích cách thực hiện việc này.