Khái niệm chung

Bệnh về đường hô hấp giai đoạn cuối là khi bệnh phổi chuyển sang giai đoạn mà người mắc bệnh có khả năng tử vong trong vòng một năm.

Điều trị không còn có thể giúp cho người bệnh khỏe lên và thay vào đó chỉ là nhằm mục đích làm giảm các triệu chứng. Điều này giúp người mắc bệnh làm được nhiều việc hơn và sống tốt nhất có thể.

 

Bác Sĩ Gia Đình của tôi sẽ làm gì vào lúc này?

Bác sĩ sẽ làm việc với quý vị để phát triển một kế hoạch điều trị nhằm duy trì chất lượng cuộc sống. Họ có thể điều chỉnh và kê toa thuốc để giúp phổi của quý vị hoặc giúp quý vị bớt tình trạng khó thở.

Việc chăm sóc của quý vị có thể được cung cấp bởi một nhóm các chuyên gia y tế từ các lĩnh vực khác nhau. Mỗi thành viên của nhóm chăm sóc có thể làm việc với quý vị để giúp quý vị:

  • Kiểm soát các triệu chứng
  • Điều hướng các quyết định mà quý vị gặp phải với bệnh của mình
  • Cung cấp hỗ trợ gia đình

Bác sĩ cũng có thể giúp sắp xếp các phương pháp điều trị khác như:

  • Kế hoạch hành động trong trường hợp thở hụt hơi
  • Phục hồi chức năng phổi (chương trình giáo dục sức khỏe, kỹ thuật thở và tập thể dục)
  • Kế hoạch ăn uống
  • Hỗ trợ sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như tư vấn tâm lý
  • Liệu pháp giúp tiết kiệm năng lượng
  • Bổ sung oxy nếu thích hợp
  • Đánh giá tại nhà của Nhóm Đánh Giá Chăm Sóc Người Cao Tuổi (Aged Care Assessment Team - ACAT)

Các triệu chứng của quý vị có thể phức tạp hoặc khó kiểm soát. Nếu vậy, bác sĩ có thể giới thiệu quý vị đến một phòng khám chăm sóc giảm nhẹ. Họ có thể thảo luận về Chương Trình Giáo Dục Giảm Nhẹ và Chăm Sóc Người Vô Gia Cư (Palliative Education and Care for the Homeless - PEACH) với quý vị, nếu quý vị muốn ở lại nhà của mình.

Bác sĩ có thể giúp quý vị giải quyết một loạt các vấn đề khác, như:

  • Trao đổi với gia đình của quý vị về mong muốn cuối đời của quý vị
  • Lập kế hoạch chăm sóc cho hiện tại và tương lai
  • Giúp làm giấy ủy quyền

Điều này là để đảm bảo các quyền và mong muốn của quý vị được tôn trọng và được lập thành văn bản.

 

Bác Sĩ Gia Đình của tôi sẽ làm gì sau đó?

Bác sĩ có thể tiếp tục theo dõi bệnh trạng của quý vị thường xuyên. Họ có thể điều chỉnh thuốc của quý vị hoặc thảo luận về những thay đổi đối với kế hoạch điều trị của quý vị.

Quý vị có thể liên lạc với bác sĩ của mình bất cứ lúc nào, nếu quý vị hoặc một thành viên trong gia đình có thắc mắc về dịch vụ chăm sóc của quý vị. Bác sĩ Gia Đình có thể giới thiệu quý vị đến các dịch vụ chuyên khoa nếu quý vị muốn được hỗ trợ thêm.

 

Tôi nên làm gì?

Nói về việc qua đời không phải là dễ nhưng điều quan trọng là phải làm như vậy trước khi quý vị quá yếu. Hãy thảo luận về những mong muốn cuối đời của quý vị với gia đình và bạn bè, và bác sĩ. Chuẩn bị các tài liệu quan trọng, chẳng hạn như kế hoạch chăm sóc dự liệu, di chúc và giấy ủy quyền của quý vị. Cho các thành viên trong gia đình biết về mong muốn của quý vị và đảm bảo rằng họ hiểu những gì quý vị muốn.

Nếu quý vị muốn được hỗ trợ thêm để giúp quý vị ứng phó, hãy xem xét yêu cầu Bác Sĩ Gia Đình giới thiệu đến một dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần hoặc cố vấn tâm lý.