Khái niệm chung

Nổi mề đay (mày đay) là một dạng phát ban ngứa trên da. Các nốt sần nổi lên (vết phát ban) xuất hiện khi các tế bào da tiết ra các chất hóa học như histamine. Chúng có thể khác nhau về kích thước, và có thể có màu trắng hoặc đỏ. Mỗi vết phát ban có thể tồn tại vài phút hoặc vài giờ và có thể thay đổi hình dạng.

Nhiều thứ có thể gây ra mề đay, bao gồm thức ăn, thuốc, cao su, côn trùng cắn và các loại vi-rút. Người ta thường không tìm ra nguyên nhân cụ thể của mề đay và tình trạng phát ban sẽ tự khỏi. Đôi khi các vết phát ban tồn tại trong một thời gian dài (mày đay mạn tính). Điều này có thể do một bệnh lý tiềm ẩn khác.

 

Bác Sĩ Gia Đình của tôi sẽ làm gì vào lúc này?

Bác sĩ sẽ đặt câu hỏi để giúp tìm ra điều gì đã khiến quý vị bị nổi mề đay. Bác sĩ cũng có thể:

  • Làm các xét nghiệm máu để tìm ra nguyên nhân tiềm ẩn
  • Kê toa thuốc cho quý vị để giúp làm hết phát ban và giảm ngứa
  • Thảo luận về những yếu tố kích ứng quý vị có thể tránh
  • Giới thiệu quý vị đến bác sĩ chuyên khoa (bác sĩ da liễu hoặc bác sĩ miễn dịch học), nếu cần

Bác sĩ sẽ giới thiệu quý vị đến Khoa Cấp cứu ngay lập tức nếu họ nghĩ rằng quý vị đang gặp phải một phản ứng dị ứng nghiêm trọng.

 

Bác Sĩ Gia Đình của tôi sẽ làm gì sau đó?

Bác sĩ có thể muốn gặp lại quý vị sau khoảng một tuần để xem tình trạng phát ban như thế nào, sau khi đã áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp điều trị. Nếu không có thay đổi lớn về tình trạng phát ban, bác sĩ có thể:

  • Làm thêm các xét nghiệm máu
  • Tăng liều lượng thuốc của quý vị hoặc thay đổi thuốc
  • Giới thiệu quý vị đến bác sĩ chuyên khoa, nếu cần thiết

 

Tôi nên làm gì?

Tránh các yếu tố gây kích ứng đã biết như đã thảo luận với Bác Sĩ Gia Đình của quý vị.
Tránh những thứ làm trầm trọng thêm tình trạng phát ban như nhiệt độ nóng, căng thẳng hoặc bia rượu. Uống thuốc theo chỉ dẫn của Bác Sĩ Gia Đình.