Khái niệm chung

Thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) là loại thuốc làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm HIV. PrEP chỉ được khuyến nghị cho những người đang có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Ví dụ, những người:

  • Quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc âm đạo (không sử dụng bao cao su) với bạn tình có nguy cơ cao bị nhiễm HIV
  • Dùng chung dụng cụ tiêm chích với người nhiễm HIV
  • Quan hệ tình dục ngẫu hứng có nguy cơ cao, ví dụ những người đàn ông quan hệ tình dục đồng giới hoặc quan hệ tình dục với các cô gái mại dâm

Nếu quý vị đã tiếp xúc với HIV trong 72 giờ qua, bác sĩ sẽ kê một loại thuốc khác được gọi là dự phòng sau phơi nhiễm (PEP).

 

Bác Sĩ Gia Đình của tôi sẽ làm gì vào lúc này?

Nếu quý vị và Bác Sĩ Gia Đình xác định rằng quý vị có nguy cơ cao bị phơi nhiễm HIV, bác sĩ sẽ kê toa PrEP. Bác sĩ sẽ cần:

  • Xác nhận quý vị không nhiễm HIV
  • Thực hiện các xét nghiệm máu để biết các bệnh khác (bệnh lây truyền qua đường tình dục (Sexually transmitted infections - STI), viêm gan vi rút, mang thai), điều trị nếu cần
  • Đề nghị tiêm phòng HPV và viêm gan
  • Giới thiệu quý vị đến phòng khám chuyên khoa sức khỏe tình dục

Bác sĩ cũng có thể

  • Giúp quý vị học cách nhớ dùng thuốc hàng ngày
  • Thảo luận về bất kỳ tác dụng phụ nào
  • Giải thích cách bảo vệ bản thân khỏi nhiễm trùng

Tôi nên làm gì?

Dùng thuốc PrEP hàng ngày, theo chỉ dẫn của Bác Sĩ Gia Đình. Thường xuyên khám Bác Sĩ Gia Đình để xét nghiệm HIV và STI.

Thực hiện các hành vi giúp quý vị an toàn để không bị lây nhiễm, ví dụ:

  • Sử dụng bao cao su
  • Sử dụng dụng cụ tiêm sạch
  • Không bao giờ dùng chung dụng cụ tiêm
  • Giảm số lượng bạn tình của quý vị
  • Xử lý an toàn các vật sắc nhọn