Rối loạn lo âu ở trẻ em và thanh thiếu niên là gì?

Rối loạn lo âu là khi chúng ta thường xuyên cảm thấy rất lo lắng. Đó có thể là sự lo lắng về một điều gì cụ thể hoặc là cảm giác lo lắng thường trực nói chung. Đôi khi một người cũng sẽ có những cơn hoảng loạn. Cơn hoảng loạn là khi quý vị cảm thấy lo lắng tột độ trong một khoảng thời gian ngắn. Các cơn hoảng loạn có thể rất nặng nề và khó chịu đựng nổi.

Để được chẩn đoán, thì tình trạng lo âu phải nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của một người (chẳng hạn như khả năng thể chất, xã hội, học tập, v.v.)

 

Các loại rối loạn lo âu

  • Chứng Sợ Khoảng Trống: Vô cùng sợ hãi trong những tình huống khi không có lối thoát dễ dàng hoặc không thể tìm kiếm sự giúp đỡ (khi xa nhà, trên phương tiện công cộng, v.v.)
  • Rối Loạn Lo Âu Toàn Thể: Vô cùng sợ hãi hoặc lo lắng về những điều mà người đó khó có thể kiểm soát
  • Rối Loạn Hoảng Sợ: Các cơn hoảng sợ xảy ra bất ngờ và lặp đi lặp lại. Nỗi sợ những cơn hoảng sợ tiếp theo và cố gắng tránh những cơn hoảng sợ khác nữa.
  • Chứng Im Lặng Có Chọn Lọc: Không thể nói được trong một số tình huống được mong đợi là sẽ nói (nhưng có thể nói trong các tình huống khác)
  • Rối Loạn Lo Âu Chia Ly: Vô cùng sợ hãi việc bị chia tách khỏi gia đình hoặc người chăm sóc (dù do cố ý hoặc vô tình)
  • Rối Loạn Lo Âu Xã Hội: Nỗi sợ hãi hoặc lo âu rõ rệt về một hoặc nhiều tình huống xã hội (bao gồm cảm giác lo âu trong môi trường đồng trang lứa đối với trẻ em)
  • Ám Ảnh Chuyên Biệt: Vô cùng sợ hãi một đối tượng hoặc tình huống cụ thể mà sau đó chủ động tránh hoặc, nếu bắt buộc, phải chịu đựng với cảm giác rất đau khổ

 

Bác Sĩ Gia Đình của tôi sẽ làm gì bây giờ?

Bác Sĩ Gia Đình có thể giới thiệu con quý vị để được điều trị. Tình trạng lo âu ở mức nhẹ đến trung bình ở trẻ em có thể được điều trị hiệu quả bằng biện pháp can thiệp sớm. Việc giới thiệu điều trị không có nghĩa là con quý vị bị đau ốm nghiêm trọng về tâm thần.

Bác Sĩ Gia Đình của quý vị cũng có thể:

  • Đưa ra các biện pháp nhằm giúp kiểm soát tình trạng lo âu cho con quý vị
  • Giới thiệu đến dịch vụ chuyên khoa nếu tình trạng lo âu trở nên nghiêm trọng

Bác Sĩ Gia Đình của quý vị sẽ muốn con quý vị quay lại để họ có thể kiểm tra xem tình trạng lo âu đang được cải thiện như thế nào.

 

Tôi có thể làm gì?

Điều quan trọng là quý vị phải hỗ trợ con mình học cách kiểm soát tình trạng lo âu của trẻ. Hoạt động điều trị thường có thể mất thời gian.

Một số điều quý vị có thể làm bao gồm:

  • Đi điều trị sớm vì nó sẽ giúp ngăn tình trạng lo âu trở nên tồi tệ hơn
  • Cố gắng đừng khó chịu khi con quý vị lo lắng. Quý vị có thể thấy điều này không có ý nghĩa gì với mình, nhưng bộ não của con quý vị đang nói với các em rằng mình không được an toàn.
  • Tự chăm sóc bản thân – quý vị là người hỗ trợ chính cho con và thường dễ quên rằng quý vị phải tự chăm sóc bản thân tốt.