Khái niệm chung

Phụ nữ thường bị rách ở một số dạng trong khi sinh qua ngả âm đạo. Vết rách có thể xảy ra khi em bé kéo căng âm đạo và tầng sinh môn trong quá trình sinh nở. Chín trong số 10 phụ nữ sinh con lần đầu sẽ bị rách theo một số hình thức ở âm đạo, một phần âm hộ hoặc tầng sinh môn.
Tầng sinh môn là khu vực giữa cửa âm đạo và hậu môn. Nếu vùng này bị rách, nó được gọi là vết rách tầng sinh môn.

 

Nhóm chăm sóc sức khỏe của tôi sẽ làm gì vào lúc này?

Đội ngũ chăm sóc sức khỏe của quý vị sẽ điều trị bất kỳ vết rách nào sau khi quý vị đã sinh em bé ra. Điều này sẽ dựa trên loại vết rách mà quý vị có.

Vết rách cấp độ một - Đây là những vết rách nhỏ trên bề mặt. Chúng không cần điều trị nhưng có thể gây đau và ê ẩm trong một thời gian.
Vết rách cấp độ hai - Đây là những vết rách ảnh hưởng đến cơ và da của tầng sinh môn. Chúng thường cần những mũi khâu.
Vết rách cấp độ ba hoặc bốn - Các vết rách này kéo dài vào cơ thắt hậu môn (cấp độ ba) hoặc gây rách toàn bộ cơ thắt (cấp độ bốn). Điều này xảy ra trong khoảng 1% các ca sinh qua ngả âm đạo. Cần phải phẫu thuật để vá lại những vết rách này và việc phẫu thuật thường xảy ra ngay sau khi quý vị sinh con.

 

Bác Sĩ Gia Đình của tôi sẽ làm gì sau đó?

Vào lần kiểm tra ở mốc 6 tuần sau sinh, bác sĩ có thể hỏi quý vị xem liệu quý vị có bất kỳ triệu chứng nào của chứng tiểu không kiểm soát hay không, chẳng hạn như:

  • Rò rỉ nước tiểu khi quý vị ho, hắt hơi hoặc tập thể dục
  • Không đến nhà vệ sinh kịp
  • Không thể kiểm soát việc trung tiện
  • Táo bón

Bác sĩ cũng có thể:

  • Kiểm tra xem các bài tập sàn chậu của quý vị đang diễn ra như thế nào
  • Hỏi quý vị về cảm giác đau của quý vị
  • Thực hiện kiểm tra âm đạo và/hoặc hậu môn
  • Giới thiệu quý vị đến bác sĩ chuyên khoa để đánh giá, nếu cần

Bác sĩ sẽ tái khám tại thời điểm khoảng 6 tháng sau khi sinh và có thể:

  • Hỏi quý vị xem quý vị đã từng có bất kỳ triệu chứng nào của chứng tiểu không kiểm soát hay chưa
  • Hỏi về cảm giác đau hoặc bất kỳ khó khăn nào quý vị đang gặp phải khi quan hệ tình dục
  • Thực hiện kiểm tra âm đạo và/hoặc hậu môn
  • Giới thiệu quý vị với một y tá hoặc chuyên viên vật lý trị liệu về chứng tiểu không kiểm soát,
    nếu quý vị cần sự trợ giúp về chức năng sàn chậu của mình
  • Sắp xếp việc tái khám với bác sĩ chuyên khoa, nếu cần

Tôi nên làm gì?

Để hỗ trợ quá trình lành vết rách và tránh các vấn đề khác, quý vị có thể:

  • Tiếp tục thực hiện các bài tập sàn chậu của quý vị theo chỉ dẫn của Bác Sĩ Gia Đình
  • Uống thuốc giảm đau theo chỉ định
  • Nằm nghỉ ngơi nhiều - điều này sẽ giúp phần này mau lành
  • Khi cho bé bú, hãy chuyển tư thế ngồi hoặc cho bé bú trong tư thế nằm
  • Vào và ra khỏi giường bằng phần bên cạnh của cơ thể - điều này giúp giảm bớt lực căng lên tầng sinh môn của quý vị
  • Uống nhiều nước (tám ly mỗi ngày)
  • Cố gắng ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ (ví dụ như trái cây và rau củ, ngũ cốc nguyên hạt)
  • Tránh quan hệ tình dục theo khuyến cáo của Bác Sĩ Gia Đình