Khái niệm chung

Nếu quý vị bị tiểu đường tuýp 1 hoặc tuýp 2 và đang mang thai, quý vị cần được chăm sóc đặc biệt. Nếu lượng đường trong máu của quý vị không được kiểm soát tốt, có thể có những ảnh hưởng lâu dài cho quý vị và em bé. Đó là lý do tại sao việc lập kế hoạch và chuẩn bị cho một thai kỳ khỏe mạnh rất quan trọng - trước khi quý vị mang thai, hoặc ngay khi quý vị biết mình có thai.

 

Bác Sĩ Gia Đình của tôi sẽ làm gì?

Nếu quý vị nghĩ đến việc có thai, Bác Sĩ Gia Đình sẽ nói chuyện với quý vị về cách chuẩn bị cho một thai kỳ khỏe mạnh. Quý vị có thể được khuyên nên đợi cho đến khi sức khỏe của quý vị được cải thiện trước khi bắt đầu thử.

Phụ nữ mang thai mắc bệnh tiểu đường được xếp vào nhóm ’nguy cơ cao’. Điều đó có nghĩa là quý vị cần sự tham gia của một nhóm các chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Bác Sĩ Gia Đình sẽ nói chuyện với quý vị về các lựa chọn chăm sóc của quý vị.

Bác sĩ cũng sẽ:

  • Xem lại thuốc men của quý vị - một số loại thuốc không được khuyến cáo trong thai kỳ
  • Nói chuyện với quý vị về tầm quan trọng của việc bổ sung folate - liều khuyến cáo hàng ngày là 5mg
  • Kiểm tra chế độ ăn uống của quý vị - quý vị có thể cần được giới thiệu gặp một chuyên gia dinh dưỡng
  • Kiểm tra các biến chứng - liên quan đến mắt, thận và bàn chân của quý vị

Nếu quý vị đã có thai, quý vị sẽ cần phải đăng ký với một dịch vụ chăm sóc tiểu đường thai kỳ. Quý vị cũng có thể được giới thiệu gặp một bác sĩ nội tiết, chuyên gia giáo dục về bệnh tiểu đường và chuyên gia dinh dưỡng.

 

Bác Sĩ Gia Đình của tôi sẽ làm gì sau đó?

Bác Sĩ Gia Đình sẽ vẫn tham gia vào việc chăm sóc thai kỳ của quý vị. Quý vị sẽ tiếp tục gặp bác sĩ của mình cùng với một nhóm các chuyên gia y tế khác. Bác Sĩ Gia Đình hoặc một chuyên gia y tế khác sẽ gặp quý vị để theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên, xét nghiệm, chụp phim theo dõi tăng trưởng và siêu âm.

Sau khi em bé của quý vị được sinh ra, quý vị sẽ cần gặp bác sĩ thường xuyên để thảo luận:

  • Theo dõi lượng đường trong máu
  • Thuốc men - một số loại thuốc đi qua sữa mẹ
  • Sức khỏe tổng thể và sự an vui của quý vị
  • Sức khỏe và sự an vui của bé
  • Chích ngừa
  • Tránh thai nếu quý vị không sinh thêm con nữa

 

Tôi nên làm gì?

Cho dù quý vị đã có thai hay đang cố gắng, giờ là lúc để chăm sóc sức khỏe của quý vị. Với lượng đường trong máu được quản lý tốt, quý vị có thể giúp giảm nguy cơ các vấn đề sức khỏe cho quý vị và em bé.

Ăn uống tốt, tập thể dục, ngủ đủ giấc và giảm căng thẳng là những bước quan trọng để mang thai khỏe mạnh. Nên tránh rượu bia và hút thuốc.

Đặt lịch hẹn với một dịch vụ chăm sóc tiểu đường thai kỳ ngay khi quý vị biết mình có thai. Quý vị cũng có thể yêu cầu được giới thiệu gặp một chuyên gia dinh dưỡng hoặc chuyên gia giáo dục về bệnh tiểu đường chuyên về thai kỳ.

Nếu quý vị đã có một bác sĩ nội tiết, quý vị nên tiếp tục gặp họ để được xem xét thường xuyên.