Khái niệm chung

Bệnh tiểu đường phát triển nếu cơ thể không thể tạo đủ insulin. Insulin giúp cơ thể hấp thụ đường từ máu. Một số phụ nữ bị tiểu đường khi mang thai. Đây gọi là bệnh tiểu đường thai kỳ.

Bệnh tiểu đường thai kỳ thường hết sau khi sinh con. Nhưng, nếu không được chăm sóc thích hợp thì tình trạng này có thể gây ra các vấn đề về sức khoẻ cho quý vị và con của quý vị.

 

Bác Sĩ Gia Đình của tôi sẽ làm gì vào lúc này?

Quý vị sẽ được giới thiệu đến phòng khám thai tại bệnh viện địa phương (trừ khi quý vị có bác sĩ sản khoa riêng). Nhân viên phòng khám sẽ sắp xếp giới thiệu quý vị tới bác sĩ chuyên khoa, y tá, hoặc các chuyên gia y tế khác. Nhân viên cũng sẽ:

  • Giúp quý vị quản lý tình trạng của mình
  • Gặp quý vị thường xuyên để kiểm tra sự tiến triển của quý vị
  • Hướng dẫn quý vị cách thay đổi lối sống để đảm bảo thai kỳ và sinh đẻ khỏe mạnh
  • Nói với quý vị về thuốc men nếu lượng đường trong máu của quý vị vẫn ở mức cao

Bác Sĩ Gia Đình sẽ hỗ trợ quý vị trong quá trình này.

 

Bác Sĩ Gia Đình của tôi sẽ làm gì sau đó?

Trong nhiều tháng, và thậm chí trong nhiều năm, Bác Sĩ Gia Đình sẽ thường xuyên xét lại lượng đường trong máu của quý vị.

Quý vị sẽ cần gặp Bác Sĩ Gia Đình sau khi sinh con được sáu tuần. Bác Sĩ Gia Đình sẽ:

  • Cho quý vị biết nếu quý vị cần ngưng dùng bất kỳ một loại thuốc nào
  • Kiểm tra lượng đường trong máu của quý vị
  • Cho quý vị các nguồn thông tin về lợi ích của việc cho con bú sữa mẹ (giúp giảm nguy cơ con quý vị bị bệnh tiểu đường loại 2)
  • Cung cấp cho quý vị các phương pháp kế hoạch hóa gia đình
  • Nói với quý vị về những lần mang thai trong tương lai

 

Tôi nên làm gì?

Học cách quản lý tình trạng của quý vị và có lối sống lành mạnh là hai bước quan trọng cần thực hiện.

Đây là cách để quý vị có thể đảm bảo việc mang thai khỏe mạnh:

  • Ăn (Eat) uống lành mạnh, ít chất béo, ít đường - bàn với một chuyên viên dinh dưỡng hoặc người hướng dẫn về bệnh tiểu đường về các cách ăn uống và lời khuyên
  • Tập thể dục đều đặn - tập thể dục giúp làm giảm lượng đường cao trong máu, vì vậy hãy cố gắng đi bộ nhanh 30 phút mỗi ngày
  • Theo đúng chương trình kiểm soát tiểu đường thai kỳ của quý vị - hãy đảm chắc là quý vị hiểu rõ về các xét nghiệm trong tương lai của mình, bất kỳ loại thuốc nào mà quý vị cần dùng và phải gọi cho ai nếu có thắc mắc
  • Đừng nhắm vào việc giảm cân - trọng tâm là quản lý tình trạng, chứ không phải là giảm cân
  • Theo dõi lượng đường trong máu - Bác Sĩ Gia Đình sẽ chỉ cho quý vị cách làm